Đài Loan mang lại gương mặt trẻ cho chị Mai

Các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Y khoa Trung Hoa của Đài Loan (CMUH) đã bước đầu chữa trị thành công cho cô gái 28 tuổi người Quảng Nam tên Nguyễn Thị Ngọc Mai, bị mắc chứng bệnh lão hóa sớm hiếm thấy.

Nguyễn Thị Ngọc Mai (giữa) cùng em trai và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Trần Hồng Cơ (bìa trái), sau khi được điều trị ở Đài Bắc - Ảnh: AFP
Theo Đài phát thanh Đài Loan, 40 y bác sĩ của CMUH đã nhận trách nhiệm chữa trị cho cô. Theo các chuyên gia này, bệnh tình của cô rất phức tạp do bị nhiều biến chứng phức tạp từ hội chứng Werner như đau u nội tiết, xơ hóa phổi và teo mạch máu.
Nguyễn Thị Ngọc Mai với gương mặt bị lão hóa sớm trước khi đến Đài Loan - Ảnh: AFP
Suốt một tháng qua, cô đã phải trải qua nhiều đợt chữa trị khác nhau và một đợt phẫu thuật sọ phức tạp cùng nhiều giai đoạn phẫu thuật thẩm mỹ để phục hồi cấu trúc da bên ngoài. Hiện chứng teo mạch máu của cô đã giảm rất nhiều, còn chức năng phổi cơ bản được cải thiện. Cô có thể bước đi trong giới hạn cho phép mà không còn sợ bị ngất như trước.
Giáo sư Trần Hồng Cơ, thuộc Trung tâm dịch vụ y khoa quốc tế của CMUH cho biết dù gương mặt của cô vẫn còn phù nề do phẫu thuật thẩm mỹ, song cô đã có thể mỉm cười và trả lời trong cuộc họp báo ngày 11-5 vừa qua. “Tôi như được tái sinh, lần sinh thứ nhất là do cha mẹ sinh ra, lần sinh thứ hai là ngày tôi đến Đài Loan, nơi cho tôi những hi vọng mới”- cô nói.
Theo các bác sĩ ở CMUH, Mai đã bị “lão hóa sớm” khi mới 10 tuổi, nhưng gia đình không thể chạy chữa vì quá nghèo. Đến trên 20 tuổi, hiện tượng lão hóa diễn ra càng lúc càng nhanh và khoảng 26 tuổi cô đã có gương mặt của một bà lão 70 tuổi, đi lại khó khăn và mắc bệnh khó thở. Sau đợt chữa trị lần này, tình trạng của cô có thể được cải thiện thêm và cô cần phải tránh ánh nắng trong một thời gian.
Mai đã sang Đài Loan từ cuối tháng 3-2012, dưới sự giúp đỡ của văn phòng đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Đài Loan tại TP.HCM và được chữa trị miễn phí.

Phẫu thuật điều trị Parkinson

Lần đầu tiên ở nước ta, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ phẫu thuật 2 ca bệnh Parkinson trong ngày 11 và 12-4. Thông tin này mang lại niềm vui cho những người mắc căn bệnh khổ sở này
Theo PGS-TS-BS Võ Văn Nho, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, bệnh Parkinson là tình trạng hệ thống thần kinh bị trục trặc theo tuổi tác gây ảnh hưởng đến khả năng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân.
Người mắc bệnh này sẽ bị run tay, run chân và thường xuất hiện ở người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, hiện nhiều người trẻ khoảng 30 tuổi cũng mắc bệnh này.

Cấy điện cực lên não bộ

Lâu nay, bệnh nhân Parkinson thường được điều trị nội khoa, thời gian uống thuốc có thể phải kéo dài suốt đời. Những bệnh nhân Parkinson giai đoạn nặng với nhiều dạng rối loạn vận động, nếu có điều kiện thì đi phẫu thuật điều trị ở nước ngoài với chi phí hàng trăm ngàn USD/ca. Ở nước ta, từ trước đến nay chưa có cơ sở y tế nào thực hiện phẫu thuật để điều trị bệnh này vì ngoài chi phí đầu tư khá lớn còn đòi hỏi chuyên môn của bác sĩ phải đáp ứng.


Các chuyên gia phẫu thuật của Pháp và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hội ý trong một hoạt động hợp tác về điều trị

TS-BS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (TPHCM), cho biết 2 trường hợp sắp được BV phẫu thuật mắc bệnh Parkinson rất nặng, mất kiểm soát các hoạt động chân tay và đã điều trị theo phương pháp nội khoa lâu nay nhưng thất bại. Cả hai bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật can thiệp bằng kỹ thuật cấy điện cực vào não lần đầu tiên triển khai ở nước ta.

Bác sĩ Lê Đức Định Miên, Khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, giải thích bệnh nhân sẽ được cấy một hoặc hai điện cực và máy kích thích lâu dài vào cơ thể đồng thời đặt dưới da lồng ngực một máy xung điện. Hai hệ thống này nối với nhau bằng hai dây dẫn cấy dưới da đầu và cổ vai. Khi xung điện tạo ra, não bộ sẽ hoạt động lại bình thường.

Các thiết bị nói trên chạy bằng pin, thường 3 năm phải thay một lần, chúng có khả năng ức chế các bất thường của não. Khi máy vận hành, người bệnh linh hoạt trở lại; sự rối loạn vận động, run cứng hầu như biến mất. Các thống kê y văn cho thấy 70% - 80% bệnh nhân sau khi áp dụng kỹ thuật này đã trở lại sinh hoạt bình thường, 30% giảm bớt triệu chứng.

Ấp ủ gần 10 năm

Bác sĩ Hùng cho biết việc triển khai phẫu thuật bệnh Parkinson là chương trình của tập thể y - bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương ấp ủ gần 10 năm qua. BV đã đưa người đi đào tạo chuyên môn tại Pháp, đầu tư mua sắm hệ thống trang thiết bị hiện đại như phòng mổ, chẩn đoán hình ảnh, khung CRW và phần mềm phẫu thuật, hệ thống Leadpoint, hệ thống đẩy điện cực trong phẫu thuật, hệ thống C-arm, khung cố định đầu (Mayfield), hệ thống tích hợp chụp MSCT với khung CRW…

Ở lần đầu tiên triển khai phẫu thuật Parkinson này, BV Nguyễn Tri Phương được sự hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia phẫu thuật thần kinh của Viện trường Nantes (Pháp). Hiện tất cả các bước chuẩn bị về chuyên môn cho 2 ca phẫu thuật đặc biệt này đã hoàn tất, BV đã sẵn sàng đầy đủ về nhân, vật lực, trang thiết bị.

Ngày 8-4, đoàn chuyên gia phẫu thuật của Pháp, do GS Jean Paul Nguyen dẫn đầu, cùng các thành viên đến TPHCM. Ngày 9 và 10-4, đoàn làm việc với lãnh đạo BV Nguyễn Tri Phương, kiểm tra và vận hành thử các phương tiện phục vụ phẫu thuật, thăm khám bệnh nhân lần cuối để trong hai ngày 11 và 12-4 sẽ phẫu thuật cho 2 ca bệnh Parkinson nói trên.

PGS-TS–BS Võ Văn Nho đánh giá đây là bước phát triển của y học nước nhà trong lĩnh vực điều trị các bệnh về thần kinh và mở ra nhiều triển vọng mới vì người mắc bệnh này đang tăng cao nhưng hầu hết bệnh nhân không đủ tiền để đi điều trị ở nước ngoài.

Trung Quốc truy tố 5 người bán thận mua iPhone

Năm công dân Trung Quốc liên quan đến vụ một thiếu niên gốc An Huy, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, bán thận để có tiền sắm iPhone và iPad sẽ bị truy tố với tội cố ý gây thương tích và buôn bán nội tạng trái phép.

Một thanh niên sử dụng iPad khi đi tàu điện ngầm ở Thượng Hải -Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, năm người bị bắt gồm một bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy một quả thận của cậu bé họ Vương, 17 tuổi, hồi tháng 4-2011 tại tỉnh Hồ Nam. Tuy nhiên do còn nhiều kẻ tình nghi trong đường dây mua bán nội tạng này nên cảnh sát mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ.

Kẻ chủ mưu Hà Vĩ đã dụ Vương bán thận khi biết cậu đang cần tiền mua iPhone và iPad. Hà Vĩ nhận 220.000 NDT (35.000 USD) để sắp xếp cuộc bán thận và chung chi tiền cho bốn bị cáo còn lại. Vương chỉ được nhận khoản tiền 22.000 NDT (3.500 USD). Hiện Vương đang bị suy thận nặng và sức khỏe rất yếu.

Trung Quốc đã cấm mua bán nội tạng người từ năm 2007. Bộ Y tế Trung Quốc thống kê mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người dân cần ghép nội tạng, tuy nhiên chỉ có 10.000 ca được thực hiện. Phần lớn những người có điều kiện đều mua nội tạng ở chợ đen.

Các sản phẩm của Apple rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Giá một chiếc iPhone rẻ nhất là 633 USD, iPad 474 USD. Do đó không phải ai, nhất là thiếu niên, cũng có thể mua được.

Lê, táo để 2 tháng vẫn tươi

Đó là trái cây chưng tết của gia đình chị Sông Ngân ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM). Theo chị Ngân, những loại trái cây này chị mua trước Tết Nguyên đán 2012.

Sau khi chưng xong, chị không bỏ vào tủ lạnh nhưng đến nay trái cây vẫn tươi nguyên nên gia đình chị không dám ăn.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, một cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết hiện nay có nhiều phương pháp để giữ trái cây tươi lâu. Trong đó, cách phủ màng sinh học là hữu hiệu và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu lê, táo để ngoài môi trường bình thường mà không được bảo quản đúng cách thì chỉ tươi và có thể sử dụng được trong vòng một tuần.

“Trường hợp trên có thể sử dụng chất bảo quản hoặc màng bảo vệ sinh học để giữ trái cây được tươi lâu. Tuy nhiên phải có mẫu cụ thể và qua quá trình xét nghiệm mới đưa ra kết luận chính xác” - vị này nói.

Thử nghiệm vắcxin phòng chống AIDS mới ở người

Các chuyên gia công nghệ sinh học hàng đầu của Cuba cho biết họ đã thử nghiệm thành công một loại vắcxin phòng chống AIDS trên chuột và sẵn sàng tiến hành thử nghiệm trên người, theo AFP.

Các nhân viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở Havana - Ảnh: AFP

Tại hội nghị công nghệ sinh học quốc tế ở Havana ngày 5-3, ông Enrique Iglesias, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Vắcxin phòng chống AIDS được thử nghiệm thành công trên chuột và chúng tôi đang chuẩn bị giai đoạn thử nghiệm với bệnh nhân HIV dương tính nhưng không phải ở giai đoạn cuối”.

Nhóm nghiên cứu điều chế vắcxin Teravac-HIV-1 từ các loại protein tái tổ hợp để “gây ra phản ứng trong các tế bào chống lại virút HIV”.

“Đến nay đã có hơn 100 thử nghiệm vắcxin trên bệnh nhân HIV bị thất bại ở Cuba và các quốc gia khác” - theo ông Iglesias, thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học và di truyền học Cuba.

Cuba chi hơn 200 triệu USD/năm cho các chương trình tuyên truyền và phòng chống HIV/AIDS, bao gồm các chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân HIV/AIDS.

Hơn 600 nhà khoa học từ 38 quốc gia đến tham dự hội thảo công nghệ sinh học quốc tế ở Havana, Cuba ngày 5-3.

10 thành tựu ngành y tế TP HCM

Dùng tế bào gốc điều trị huyết học, kỹ thuật sinh học trong chẩn đoán phôi thai, ghép gan bệnh nhi, lọc máu liên tục trong cấp cứu... là thành tựu tiêu biểu của ngành y tế TP HCM trong những năm qua.

Ứng dụng y khoa đầu tiên được Sở Y tế TP HCM nêu danh nhân kỷ niệm 57 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai. Thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ, đây được xem là thành tựu mang tính tiên phong trong việc hạn chế trẻ sơ sinh bất thường, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Với thành công trình này, khoa Xét nghiệm di truyền y học Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã triển khai thành công và đưa vào thực hiện chẩn đoán bệnh thalassemia bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Kỹ thuật QF-PCR được ứng dụng vào việc chẩn đoán hội chứng Down và các bất thường về số lượng nhiễm sắc thể; triển khai các chẩn đoán di truyền cho các bệnh phổ biến khác như bệnh Hemophilia, giải trình tự DNA, chẩn đoán đột biến gen AZF gây hiếm muộn, chẩn đoán nhiễm CMV và Rubella thai kỳ.

Phương pháp lọc máu liên tục của Bệnh viện Nhi Đồng cứu sống nhiều trường hợp trước đó thường tử vong. Ảnh: Thiên Chương

Ứng dụng thứ hai là dùng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý huyết học tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học.

Ca ghép tủy xương đầu tiên của Việt Nam được Bệnh viện Truyền máu huyết học thực hiện vào tháng 7/1995 và thực hiện truyền tế bào gốc máu ngoại vi lần đầu từ tháng 10/1997. Sau đó, cũng chính Bệnh Viện Truyền máu và Huyết học TPHCM đã tiến hành ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn đầu tiên ở Việt Nam.

Hiện tại, trong kỹ thuật cấy ghép, Bệnh viện Truyền máu huyết học có 3 loại sản phẩm ứng dụng tế bào gốc từ tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi và tế bào gốc từ máu cuống rốn. Bệnh viện đã thực hiện thành công trên 100 ca cấy ghép, trong đó gần một nửa là ở trẻ em, và chuyển giao thành công kỹ thuật này cho một số bệnh viện trong nước.

Ứng dụng thứ ba là kỹ thuật tiêu sợi huyết kết hợp lấy cục huyết khối bằng dụng cụ cơ học trong điều trị đột quỵ, can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện Nhân dân 115. Kỹ thuật này đã mở ra triển vọng rất lớn cho người bệnh, giúp bệnh nhân có nhiều khả năng hồi phục gần như hoàn toàn, giảm được gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.

Công trình ứng dụng thứ tư là nghiên cứu triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục cho các bệnh nhân tay chân miệng có suy đa tạng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ứng dụng được xem như một phát kiến mà ít quốc qua nào trong khu vực Đông Nam Á thực hiện.

Nghiên cứu nguyên nhân tử vong do bệnh tay chân miệng và dựa trên kết quả các công trình nghiên cứu của thế giới, nhóm y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định bệnh tay chân miệng làm cho cơ thể tiết ra các hóa chất trung gian trong máu khiến bệnh nặng hơn. Từ đó, bệnh viện đã áp dụng phương pháp lọc máu liên tục, một kỹ thuật hồi sức hiện đại, tích cực trong các trường hợp bệnh tay chân miệng có biến chứng suy đa cơ quan.

Kết quả cho thấy, phương pháp này đã cứu sống được nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 4 trước đây thường tử vong.

Triển khai thành công kỹ thuật ghép gan trên trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng được tính như một nét son của ngành y tế TP HCM.

Ghép gan là một trong những kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chuẩn bị đào tạo nhân sự và đầu tư trang thiết bị ngay từ thập niên 90 để có thể thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên vào tháng 12/2005.

Hiện đây là đơn vị duy nhất của các tỉnh phía Nam có thể thực hiện ghép gan, tính đến nay Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện được 7 ca ghép gan cho trẻ em, chiếm phân nửa số ca ghép gan trong cả nước. Trong đó, có một trường hợp ghép gan cho trẻ nhẹ cân nhất (6 kg), khó khăn và phức tạp mà y văn thế giới đã ghi nhận.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Thiên Chương

Ứng dụng thứ sáu kỹ thuật sinh học phân tử trong hoạt động giám định tại Trung tâm Pháp y TP HCM.

Việc phát triển chuyên sâu về sinh học phân tử trong nhiều năm trở lại đây đã đáp ứng tốt hầu hết các yêu cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục, dấu vết sinh học, xác định quan hệ huyết thống (bao gồm xác định hài cốt liệt sĩ) và bước đầu triển khai ứng dụng phục vụ cho lâm sàng như định lượng vi rút viêm gan B. Từ thành tựu này, giám định pháp y TP HCM đã giúp cho ngành tư pháp xác định được những chứng cứ quan trọng, chính xác và khoa học, đồng thời cũng hỗ trợ cho hệ điều trị truy tìm các nguồn gốc của bệnh từ gene.

Thành tựu thứ sáu là việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh tạo xương bất toàn (bệnh xương thủy tinh) tại Viện Y Dược học dân tộc.

Xương thủy tinh là bệnh lý xương hiếm gặp, có tính di truyền mà nguyên nhân là do tổn thương các sợi collagen của xương làm cho xương rất giòn và dễ gãy sau một va chạm nhẹ. Hiện bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Nghiên cứu sử dụng kết hợp điều trị đông y và tây y của Viện Y dược học dân tộc qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu sử dụng bài thuốc y học cổ truyền kết hợp cao xương cá sấu để tăng mật độ xương, giảm đau, phòng ngừa biến dạng xương. Giai đoạn 2 phẫu thuật chỉnh hình xương giúp cho các cháu phục hồi chức năng, đi lại được dễ dàng hơn.

Ứng dụng công nghệ gene sản xuất thành công nguyên liệu và thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C tại Công ty Sinh học Dược Nanogen là thành tựu thứ 8 được kể đến. Đây được xem là điểm nhấn trong chương trình “Người Việt dùng thuốc Việt”.

Trước đây, khi bị viêm gan siêu vi B hay C người bệnh phải trả một chi phí rất đắt để điều trị. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, thuốc của Nanogen đã được chứng minh có hiệu quả tốt với giá cả phù hợp với người Việt Nam. Công ty đang có kế hoạch nghiên cứu đưa ra thị trường thuốc điều trị viêm gan B, C kháng thuốc và thuốc điều trị ung thư bằng cách sử dụng kháng thể đơn dòng tái tổ hợp.

Kiểm soát hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS là thành tựu thứ 9 của ngành y tế TP HCM. Hơn 20 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều chương trình phòng chống HIV/AIDS tại thành phố đạt được thành tích khả quan, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV.

Các chương trình được đánh giá cao về mặt hiệu quả là Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và tham vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.

Cuối cùng là việc kiểm soát an toàn thực phẩm hiệu quả và hạ thấp số vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngành y tế TP HCM đánh giá công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố từng bước đã được cải thiện, góp phần ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng. Thành phố khống chế không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm truyền qua thực phẩm như tả, cúm A/H5N1 và hạ thấp số vụ ngộ độc thực phẩm qua từng năm.

Đậu que bị “cấm cửa” tại các trường Bắc Kinh

Giới chức y tế Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa ra thông báo cấm tất cả các trường học trong thành phố phục vụ bữa ăn có đậu que cho học sinh nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

Giới chức y tế Bắc Kinh đã quyết định "cấm cửa" đậu que tại các trường học để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm - Ảnh: foodnut.com

Tờ Beijing Morning Post ra ngày 15-2 cho biết lệnh cấm áp dụng cho tất cả căngtin tại các trường học ở Bắc Kinh, gồm cả trường đại học, trung học và tiểu học.

Trong buổi làm việc với hơn 100 hiệu trưởng của các trường ngày 14-2, Sở Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết lý do trong các vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học ở thành phố thời gian qua, phần lớn do đậu que không được nấu chín, khiến hàng trăm học sinh bị ngộ độc và ốm.

Cũng theo sở này, các hiệu trưởng sẽ là “người chịu trách nhiệm trước tiên” nếu xảy ra các sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, học sinh và người giám hộ của các em sẽ được mời kiểm tra và giám sát các căngtin trường học. Các quầy thức ăn nhanh ở trường cũng sẽ được giám sát an toàn thực phẩm.